Mô hình Sở hữu kỳ nghỉ đã ra đời từ cách đây rất lâu, và phát triển từ những năm 60 của thế kỷ XX, du nhập vào Mỹ trong những năm 70 và đã trở thành một mô hình du lịch phổ biến khắp thế giới với rất nhiều tổ chức trao đổi kỳ nghỉ lớn và sự tham gia của nhiều tập đoàn khách sạn uy tín trên toàn cầu như: Marriott, Hilton,… Tính tới thời điểm hiện nay, đã có hơn 6.000 resort tại 101 quốc gia tham gia vào mô hình nghỉ dưỡng này. Tiếng lành tiếng xấu đều có đủ, tin tốt tin dở cũng không thiếu. Và song song cùng với nó là những hoạt động khác tạo nên sự đa dạng nhiều màu sắc của hệ sinh thái này. Hôm nay, hãy cùng người viết chia sẻ một số thông tin nhé.
Những thứ na ná Sở hữu kỳ nghỉ
Đầu tiên là những mô hình mang hơi hướng Sở hữu kỳ nghỉ. Như chúng ta đều đã biết và nghe thấy, Sở Hữu Kỳ Nghỉ là một mô hình nghỉ dưỡng mang lại quyền sở hữu không gian nghỉ dưỡng cho các gia đình vào mỗi kỳ nghỉ cố định hàng năm, trong đó, người sử dụng sẽ sở hữu một hoặc vài tuần nghỉ trong một khu nghỉ dưỡng kéo dài suốt đời dự án. Phát triển từ định nghĩa này, một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng có quỹ phòng lớn đã xây dựng các loại Thẻ & Voucher – theo đó, sản phẩm hoạt động dựa trên nguyên tắc phát hành thẻ định danh, mua trước các đêm nghỉ trong thời gian 25-35-50 năm, với các cấp hạng phòng 3*- 4*- 5*.Các chủ thẻ có quyền lựa chọn các đêm nghỉ linh hoạt trong thời gian quy định của thẻ, và tuỳ thuộc vào tình trạng phòng trống của địa điểm lựa chọn. Một nhân viên phát hành thẻ giới thiệu: "Dịch vụ từ các loại thẻ kỳ nghỉ không khác nhau nhiều, chỉ có sự thay đổi lớn nhất về thời gian sử dụng. Có thẻ được sử dụng cả vào dịp lễ, Tết; cũng có thẻ không được sử dụng trong dịp này...." Và tất cả đều phụ thuộc vào “tình trạng trống của phòng”. Điều này sẽ gây ra trở ngại & rủi ro rất lớn cho người dùng. Bởi lẽ, chúng ta đi nghỉ là xác định ngày, chứ đâu thể book phòng theo kiểu ngày nào còn trống thì tôi đi, phải không? Thế nhưng, đánh vào tâm lý tham rẻ của người tiêu dùng cùng lời hứa rẻ tới trên 50% kể cả khách sạn 5 sao, đã có rất nhiều Thẻ & Voucher dạng này được xây dựng để hút tiền mặt từ khách hàng; để rồi đâu đó, khách hàng trở thành kẻ cầm dao đằng lưỡi.
Những nhóm hội & tổ chức luật sư đòi công lý
Xuất phát từ câu chuyện thiếu thông tin, nhiều khách hàng sau khi đặt bút ký hợp đồng Sở hữu kỳ nghỉ lại hoài nghi chính quyết định của mình. Lúc này, thay vì đòi hỏi được làm rõ hoặc hướng dẫn các thủ tục để sử dụng sản phẩm đúng đắn thì người dùng lại “giẫy nảy lên” đòi huỷ hợp đồng, hoặc tệ hơn là kiện các đơn vị cung cấp dịch vụ. Đáng tiếc là cuộc đời không hề dễ dàng “bập bập” như vậy, một chữ ký nặng tựa Thái Sơn, mà hợp đồng thì giấy trắng mực đen nên huỷ sao được. Thế là các khách hàng này kéo nhau lên mạng xã hội kêu than chửi bới – mục đích gì thì thực sự người viết cũng chưa rõ. Bỗng từ đâu, nào là luật sư đứng ra vì chính nghĩa, nào là các tổ chức uy tín có yếu tố nước ngoài nhận làm đơn từ khiếu kiện hộ, rồi tới các nhóm hội vì công lý mà ra sức tổ chức kêu gọi tụ họp – quả là rất sôi động. Đường đi nước bước thì không khác nhau là mấy. Ban đầu thì tụ họp gặp gỡ chia sẻ câu chuyện, sau là đưa ra phương hướng hoạt động tác chiến (chủ yếu là dạy nhau spam tin rác, viết post chửi bới bêu xấu các công ty bán sở hữu kỳ nghỉ), rồi kế tiếp là viết đơn kiện theo nhóm số lượng lớn (có người chẳng hiểu gì vẫn được gửi đơn từ viết sẵn chỉ cần ký); rồi cuối cùng cũng tới lúc thu Quỹ hoạt động. Quỹ thu theo tiêu chí “ai đóng góp bao nhiêu tuỳ tâm, nhưng số tiền được trả lại sẽ phụ thuộc vào sự tích cực tham gia chiến đấu”; tới đoạn này thì người viết thực muốn bật cười. Vì chưa hiểu cái nguyên tắc này được nghiên cứu từ đâu và xuất phát dựa trên logic gì.
Ấy là các nhóm hội. Còn các luật sư thì cũng không kém phần long trọng. Cũng có mẫu đơn từ, cũng có hướng dẫn khởi kiện, nhưng phí thì thu trước. Đương nhiên ai lại chịu thiệt bao giờ, nhất là khi đã có quá nhiều lần đơn từ tương tự bị các toà bác bỏ. Thế nhưng các luật sư không chịu làm trước bao giờ mà cứ muốn cầm chắc phí luật sư rồi mới làm việc. Người tỉnh táo thì giữ cái đầu lạnh nhất định không sa vào bất cứ mớ bòng bong nào thêm nữa. Người bế tắc thì cứ như sự cầu may, có cái phao nào thì vơ vội, nhưng rồi sống hay chết thì chẳng rõ. Người viết đã theo dõi trên khá nhiều nguồn tin, từ các website được dựng vội, tới những nhóm Facebook lên tới hàng trăm thành viên, rốt cuộc thì chưa có nguồn tin nào cho thấy “công lý” đã được thực thi, mà chỉ thấy các bằng chứng về việc các khách hàng bị lừa đảo bởi các nhóm hội và luật sư thì nhiều.
Các tổ chức thu mua, sang nhượng và hỗ trợ cho thuê
Không thể bỏ qua một mô hình mọc lên song song cùng với các đơn vị cung cấp kỳ nghỉ - đó chính là các sàn giao dịch tuần nghỉ & các công ty thu mua, sang nhượng tuần nghỉ. Có thể ví dụ đơn cử ra đây là tuần nghỉ của Alma Resort – khu nghỉ dưỡng hoạt động theo mô hình sở hữu kỳ nghỉ của công ty Vịnh Thiên Đường. Trong vài năm trở lại đây, các khách hàng sở hữu tuần nghỉ của Alma Resort liên tục nhận được các cuộc điện thoại chào mời với những nội dung như: “để được hỗ trợ sang nhượng lại hợp đồng của Alma thì chỉ cần mua thêm hợp đồng của XXX”; “để được hỗ trợ cho thuê lại tuần nghỉ của Alma thì chỉ cần đóng 1 khoản phí ký kết hợp đồng” … Rất nhiều khách hàng đã vội tin vào thông tin này và tiếp tục trở thành miếng mồi ngon. Nhiều người cũng hỏi, thế số điện thoại của họ lấy ở đâu ra, liệu có phải Alma cố tình rò rỉ ra ngoài? Hay chính Alma mở ra những chân rết này để lừa khách hàng thêm lần nữa? Thế nhưng, chỉ cần 1p ngắn ngủi đăng tải 1 post giả vờ cần tuần nghỉ A,D,F của tuần nào đó trong năm thì người viết cũng đã có trong tay rất nhiều số điện thoại và thông tin của những người này; mà chẳng cần phải quan hệ gì với Alma.
Chưa hết, công ty VNS – Vietnam Stay Travel đang chạy mẫu quảng cáo rao bán đêm nghỉ của khu nghỉ dưỡng này với giá khoảng 1.3tr/đêm (loại căn hộ 1 phòng ngủ); nhưng lại hỗ trợ chủ tuần nghỉ cho thuê lại với giá 35Tr/ tuần cùng với 10Tr phí duy trì (tương đương 6.4Tr/đêm). Nhưng nếu sang nhượng toàn hợp đồng thì chỉ được trả giá 120Tr (hợp đồng còn 30 – 35 năm). Dĩ nhiên, muốn được công ty này hỗ trợ cho thuê thì khách hàng phải ký hợp đồng 10 năm, và phải đóng 1 khoản phí ký kết hợp đồng. Đây quả là những phép toán đáng đặt dấu hỏi rất lớn mà người viết cứ tạm đặt ra đây để cùng suy ngẫm.
Vậy đấy, mô hình thì lạ lẫm và đòi hỏi thời gian để thích ứng, nhưng kịch bản lừa đảo ăn theo thì đa dạng. Xét cho cùng, nếu không tỉnh táo thì chỉ có khách hàng là người chịu thiệt nhất mà thôi.